Ruộng đất vẫn là cứu cánh Ông chủ của giải thưởng Cây mía vàng 2 năm liên tục, Vương Thành Nam, thôn Minh Châu 1, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) dẫn tôi đi thăm những khoảng mía ngút ngàn tầm mắt của anh, bộc bạch: Sự nghiệp trồng mía của tôi bắt đầu từ năm 1991, với 2ha đất. Sau mấy vụ trồng mía thắng lợi, tôi tiếp tục thỏa thuận với một số hộ dân xung quanh để thuê, mua thêm đất trồng mía. Đến nay, tổng cộng diện tích của gia đình tôi đã đạt 12ha. Mỗi năm, trừ mọi chi phí, tôi vẫn mang về cho gia đình cả vài trăm triệu đồng. Với một người gần như nửa đời người lao tâm khổ tứ, gắn bó và đổ biết bao mồ hôi, công sức trên thửa ruộng yêu quý của mình như anh Nam thì có lẽ, chẳng có sức mạnh nào chia lìa được anh và những thửa ruộng đó. Anh Nam kể rằng, với 1ha trồng mía, năng suất đạt khoảng 60 tấn/ha, thì nông dân như chúng tôi có thể thu lãi khoảng 10 triệu đồng/ha. Với giá thu mua của DN cao như thời gian này, thì số lãi có thể hơn. Đấy là chưa kể áp dụng tích cực các biện pháp kỹ thuật vào canh tác, cộng với đầu tư hợp lý, sản lượng mía có thể cao hơn nhiều. Mấy năm nay, đất chật người đông, loay hoay suốt cả 3 năm trời với ước mơ mở rộng diện tích mà anh Nam vẫn không thực hiện được. Theo anh Nam, căn nguyên là bởi tâm lý bám chặt đất đai truyền đời. Khi suy thoái kinh tế, hàng nghìn lao động địa phương trước đó đã ra đi tìm kế sinh nhai nơi xa xứ, bỗng trở về với mảnh đất thân thuộc của họ. Chính cái sự bấp bênh của việc làm thuê, làm mướn đã khiến người lao động không thể yên tâm mà ly hương được. Họ chỉ còn cách là quay về, bám lấy mảnh đất quê hương để kiếm kế sinh nhai. Mà xét cho cùng, với hiệu quả kinh tế tương đối của cây mía, thì cũng khó có thể là người dân thờ ơ được. Chính vì mang tâm lý như thế nên khi đề xuất việc thành lập DN cổ phần giữa nông dân và Cty Mía đường Lam Sơn, trong đó DN đầu tư máy móc, thiết bị và kể cả công nghệ, giống vốn cho nông dân, còn nông dân thì góp đất tạo thành cổ phần, nhiều nông dân cũng có cùng tâm trạng với anh Nam, không chịu. Theo lý luận trong báo cáo đề dẫn của Hiệp hội Mía đường Lam Sơn, kinh tế hộ ở vùng nguyên liệu mía này đang phát triển chững lại, luẩn quẩn và cần phải có đường đi mới, mô hình mới để tổ chức nông dân lại nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, trước hết là lao động, đất đai, khai thác tốt các điều kiện thuận lợi cho phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp… Đổi đất lấy cổ phần: Khó! Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Cty CP Mía đường Lam Sơn, với các hình thức tổ chức kinh doanh hiện có trên địa bàn, đặc biệt là kinh tế hộ và trang trại, đã tạo điều kiện “cởi trói” cho hoạt động sản xuất trong nông nghiệp, tạo động lực to lớn trong kinh tế hàng hóa khu vực tam nông. Tuy nhiên, với điều kiện và hình thức tổ chức như hiện nay thì hầu hết các mô hình sản xuất kinh doanh trong nông thôn hiện nay đang bị giới hạn lớn về quy mô, vốn, kỹ thuật, áp dụng thâm canh công nghệ cao… “Bởi vậy, trong những năm qua, Cty Mía đường Lam Sơn đã nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra một phương thức phù hợp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, trong đó, mô hình DN cổ phần nông nghiệp là một quan điểm, định hướng đúng đắn”, ông Tam nói. Về lý thuyết, mô hình DN cổ phần nông nghiệp là hình thức nông dân góp đất, DN đầu tư vốn, KHKT và cùng tham gia quản lý. Nông dân là những cổ đông, được chia cổ tức và trở thành những người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động. Ngoài ra, một hình thức nữa là DN mua, hoặc thuê lại quyền sử dụng đất của nông dân, và nông dân trở thành những người làm thuê cho DN đó. Tuy nhiên, GS.TSKH Lê Du Phong, chuyên gia nghiên cứu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, lại không nghĩ như vậy. Một thực tế được ông Phong đặt ra là: Liệu rằng nông dân có chịu đánh đổi đất mà họ đang canh tác hiệu quả lấy cổ phần trong các DN này, trong khi chưa nhìn thấy lãi ở đâu? Một trong những khó khăn nhất, theo GS Phong, chính là việc xác định giá trị từng diện tích đất trong vùng nguyên liệu.
GS Lê Du Phong đưa ra một bài toán hết sức thực tế: Mỗi héc - ta mía, nếu thâm canh tốt, cho thu hoạch khoảng 70- 80 tấn mía, tương đương số lãi mỗi năm khoảng 60- 70 triệu đồng. Trong khi đó, với nông dân, ruộng đất là tư liệu sản xuất, là cái gắn liền với nông dân, thì không lẽ họ lại đi đánh đổi cái lợi đang có bằng một món lợi chưa nhìn thấy được? Đồng quan điểm trên, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN- NT cho rằng, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là nông dân gắn chặt với đất đai, nên việc hình thành các DN nông nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn và phức tạp so với các lĩnh vực khác. Việc mở rộng thị trường, phát triển vùng nguyên liệu là vấn đề sống còn đối với DN. Nhưng đi cùng với đó là giải quyết thu nhập và cân đối lợi nhuận cho cổ đông, chính là những nông dân đổi ruộng, thì giải quyết thế nào. “Đây mới là cái khó. Khi không có biện pháp thích hợp và lời giải cho bài toán này thì sớm muộn, mâu thuẫn giữa cổ đông và DN sẽ nảy sinh và phá sản là tất yếu”, ông Sơn cảnh báo. Nông dân Đào Văn Đường, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, người đang sở hữu 8ha mía, có cách nhìn khác. Theo ông Đường thì đối với những hộ có diện tích mía nhỏ, nếu DN có cách “đối xử” tốt với họ, thì việc đưa diện tích đất vào thành cổ phần chắc không khó. Tuy nhiên, như gia đình ông, diện tích lớn, phải thuê cả nhân công để làm, thì chẳng bao giờ ông đánh đổi. “Tôi biết một thông tin là Nhà máy đề xuất gom ruộng lại với số tiền khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Đây là số tiền tương đối lớn đối với các hộ “lười” canh tác và diện tích nhỏ. Nhưng đối với gia đình tôi, nếu thâm canh tốt, năng suất đạt 70-80 tấn mía nguyên liệu/ha, giá thu mua lại ổn định, thì không đời nào tôi đánh đổi”, ông Đường cho biết. |
- Xuân Lộc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
- Khai mạc triển lãm nông nghiệp lớn nhất Pháp
- Dư nợ cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng chậm
- LHQ kêu gọi tăng cường đầu tư cho nông nghiệp
- Nước mặn xâm nhập 70km trong mùa khô ở ĐBSCL
- 90% diện tích đất gieo cấy ở Bắc Bộ đã có nước
- Ứng dụng công nghệ bức xạ sản xuất địa lan hoa vàng
- Bổ sung chính sách thúc đẩy công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn
- FAO thúc đẩy giảm tác động gây biến đổi khí hậu
- Dồn sức gieo cấy lúa xuân kịp thời vụ